Trọng tài (Arbitration) và cụ thể hơn là trọng tài thương mại (Commercial Arbitration) là phương thức giải quyết tranh chấp (Tranh chấp ở đây là các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết bằng trọng tài theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010) do các bên thỏa thuận, có thể được sử dụng thay thế cho phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống bằng Tòa án.
Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp rất đơn giản. Các bên trong tranh chấp thỏa thuận đưa tranh chấp của họ tới một chủ thể để giải quyết mà các bên tin tưởng sự phán xét của chủ thể đó. Mỗi bên trình bày vụ việc của mình cho người ra quyết định, một chủ thể tư – còn được gọi là “trọng tài viên”. Trọng tài viên lắng nghe các bên, xem xét các tình tiết và lập luận của các bên và đưa ra quyết định. Quyết định đó là chung thẩm và ràng buộc các bên. Sở dĩ quyết định mang tính chung thẩm và ràng buộc bởi vì các bên đã tự thỏa thuận như vậy chứ không bị cưỡng chế bởi bất kỳ nhà nước nào.
Trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm như thủ tục đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không công khai giúp Doanh nghiệp giữ bí mật được các thông tin tranh chấp có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Nói ngắn gọn, trọng tài là phương thức hiệu quả để đi đến một quyết định có giá trị chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp mà không cần đưa ra tòa án (bởi vì pháp luật trọng tài quốc gia và các điều ước quốc tế như Công ước New York đã thừa nhận các phán quyết trọng tài sẽ được tòa án cho thi hành một cách rộng rãi nếu bên thua kiện không tự nguyện thi hành).
Thứ nhất, khác với tố tụng tòa án được quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự áp dụng để giải quyết tất cả các vụ việc trong lĩnh vực dân sự nói chung, thủ tục trọng tài áp dụng cho các tranh chấp trong hoạt động thương mại đơn giản hơn, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp giúp đẩy nhanh thời gian giải quyết tranh chấp; thủ tục trọng tài không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp.
Thứ hai, việc được quyền lựa chọn trọng tài viên giải quyết tranh chấp cho phép các bên lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế về vấn đề tranh chấp, có uy tín trong nghành nghề trở thành trọng tài viên giải quyết tranh chấp của các bên, đảm bảo chất lượng giải quyết tranh chấp. (tranh chấp bảo hiểm, tranh chấp về cổ phiếu, chứng khoán; tranh chấp xây dựng,…)
Thứ ba, trọng tài tôn trọng tính bảo mật thông tin (confidentiality) cho toàn bộ quá trình, phiên họp trọng tài cũng được thực hiện không công khai [khác với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai trong tố tụng tòa án], nhờ đó, các bên trong tranh chấp có thể đảm bảo được uy tín của mình trên thương trường. Ngày nay, tính bảo mật ngày càng được doanh nghiệp chú ý trong bối cảnh các vấn đề tài chính của doanh hiện nay rất nhạy cảm với các thông tin liên quan tới doanh nghiệp (đặc biệt là với các công ty đã niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán).
Thứ tư, thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn [cho phép sử dụng tiếng nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài,…] phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.
Thứ năm, phán quyết của trọng tài có đặc điểm giống như bản án của tòa án đó chính là mang tính chung thẩm và bắt buộc các bên phải thi hành. Nếu đem thi hành trong lãnh thổ Việt Nam, phán quyết trọng tài VIAC có thể được đưa thẳng tới cơ quan thi hành án (Cục thi hành án dân sự) để được cưỡng chế thi hành; phán quyết trọng tài VIAC cũng có thể được cho công nhận và thi hành tại hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên Công ước NewYork về công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài.